I Cô-rinh-tô 12:19-26

19 Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? 20 Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân.
21 Mắt không được nói với bàn tay rằng: Ta chẳng cần đến mầy; đầu cũng chẳng được nói với chân rằng: Ta chẳng cần đến bay. 22 Trái lại, các chi thể của thân xem ra rất yếu đuối lại là cần dùng. 23 Chi thể nào trong thân chúng ta nghĩ là hèn hạ hơn, thì chúng ta tôn trọng hơn; chi thể nào chẳng đẹp, thì chúng ta lại trau giồi hơn, 24 còn như cái nào đã đẹp rồi, thì không cần trau giồi. Nhưng Đức Chúa Trời đã sắp đặt thân người, để chi thể nào thiếu thốn thì được quí trọng hơn, 25 hầu cho trong thân không có sự phân rẽ, mà các chi thể phải đồng lo tưởng đến nhau. 26 Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu; và khi một cái nào được tôn trọng, thì các cái khác đều cùng vui mừng. 

Câu gốc: “Nếu chỉ có một chi thể mà thôi, thì cái thân ở đâu? Vậy, có nhiều chi thể, song chỉ có một thân” (câu 19-20).

Câu hỏi suy ngẫm: Sứ đồ Phao-lô dạy gì trong phân đoạn Kinh Thánh này? Chúa ban những mệnh lệnh nào về mối liên hệ hỗ tương trong thân Chúa? Con dân Chúa cần làm gì để góp phần phục vụ Chúa trong Hội Thánh?

Trong phân đoạn Kinh Thánh này, Sứ đồ Phao-lô dạy Cơ Đốc nhân phải tôn trọng anh chị em mình trong Hội Thánh, vì mỗi người đều cần có nhau, mỗi người đều cùng dự phần làm cho thân thể của Chúa được mạnh khỏe. Thân thể chúng ta có nhiều loại tế bào: tế bào thần kinh, tế bào máu, tế bào bắp thịt, tế bào da… và mỗi loại tế bào có chức năng riêng. Thân thể hoạt động hữu hiệu, hài hòa khi mỗi tế bào vận hành theo chức năng đã được tạo nên. Khi các tế bào không vận hành đúng với chức năng của nó, thì thân thể bị bệnh tật.

“Lại, trong các chi thể, khi có một cái nào chịu đau đớn, thì các cái khác đều cùng chịu”(câu 26a). Khi một bộ phận trong thân thể chúng ta bị tổn thương, toàn thân chúng ta bị ảnh hưởng. Khi tay chúng ta bị trặc, sưng lên, cả thân chúng ta cảm thấy đau đớn. Chúng ta làm đủ cách để săn sóc cánh tay bị đau nhức cho sớm được lành. Điều này minh họa cho lẽ thật Cơ Đốc nhân có mối liên hệ hỗ tương với nhau, và cần sự chăm sóc lẫn nhau (câu 24-26). Trong Hội Thánh khi một con cái Chúa bị tổn thương, cả Hội Thánh đau buồn và phải tìm cách an ủi, xoa dịu. Hội Thánh phải là nơi Cơ Đốc nhân quan tâm và chăm sóc lẫn nhau. Chúa ban nhiều mệnh lệnh về mối liên hệ hỗ tương trong thân Chúa. Chúng ta phải yêu thương nhau (Giăng 13:34), kính nhường nhau (Rô-ma 12:10), hòa thuận nhau (Rô-ma 12:16), chấp nhận nhau (Rô-ma 15:7), khuyên bảo nhau (Rô-ma 15:14), phục vụ lẫn nhau (Ga-la-ti 5:13), chịu đựng nhau (Ê-phê-sô 4:2), thương cảm nhau (Ê-phê-sô 4:32), thuận phục nhau (Ê-phê-sô 5:21), khích lệ nhau sống yêu thương và làm việc tốt (Hê-bơ-rơ10:24). Đây là điều Chúa muốn mọi con dân Chúa trong Hội Thánh làm cho nhau. Chúng ta cần lắng nghe và nhìn thấy nhu cầu của anh chị em chúng ta trong Hội Thánh là gì, và cầu xin Chúa sử dụng chúng ta cho những nhu cầu Chúa cho chúng ta nhìn thấy.

Đức Chúa Trời đã định mỗi chúng ta đều cần thiết trong Hội Thánh, cho nên điều Cơ Đốc nhân cần làm là nhìn xem Chúa và phục vụ Chúa trong khả năng và ân tứ Chúa ban cho mình. Nếu ai trong chúng ta chưa chọn nơi nào để làm Hội Thánh nhà của mình, hãy xin Chúa hướng dẫn để gia nhập một Hội Thánh địa phương. Nếu ai đã là thành viên của Hội Thánh, hãy xin Chúa hướng dẫn để góp phần phục vụ Chúa trong Hội Thánh của mình.

Bạn thường làm gì khi Chúa cho nhìn thấy nhu cầu của anh chị em trong Hội Thánh?

Lạy Chúa, con tạ ơn Ngài cho con có anh chị em trong đức tin và có cơ hội dự phần gây dựng lẫn nhau trong Hội Thánh của Ngài. Xin cho con ý thức mỗi người cần có nhau và hết lòng chăm sóc nhau để Hội Thánh được vững mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây